Wednesday 30 May 2012

Nguyên nhân The Voice “lật đổ” Idol trên thế giới

Một cuộc lật đổ ngoạn mục giữa lính mới và ông hoàng của các reality show.


Từng là một trong những show truyền hình được theo dõi nhiều nhất trên thế giới và có đến 8 mùa liên tiếp là kẻ bất khả chiến bại trên chiến trường rating, nhưng American Idol (Fox) đang ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt bởi lính mới The Voice (NBC). Thống kê cho thấy tỉ lệ rating của American Idol (AI) đang có dấu hiệu xuống dốc theo từng mùa sau khi đạt đỉnh cao vào mùa thứ 6 (32.77 triệu), trong mùa giải gần đây nhất, với chiến thắng nhờ số lượt bình chọn được xem là “kỉ lục” dành cho anh chàng Phillip Phillips, lượng rating của AI giảm xuống chỉ còn 18.43 triệu. Trái ngược lại, The Voice đang ngày càng có được một lượng người xem ổn định dù chỉ mới bước sang season thứ 2, với số lượt khán giả theo dõi xấp xỉ con số 38 triệu. Điều gì làm nên cuộc lật đổ ngoạn mục này?


( Giọng Hát Việt - The Voice Việt Nam 2012 ) - Quá nhiều, quá nhàm


Cũng tương tự như tình hình tại Việt Nam, các cuộc thi tài về giọng hát đang phủ sóng ngày một rầm rộ trên màn ảnh nhỏ xứ cờ hoa, với AI, X-Factor, American’s Got Talent... Chỉ tính riêng kênh truyền hình Fox, dù đầu năm vẫn cho ra đều đều các Season mới của Idol, nhưng vào mùa thu, X-Factor lại tiếp tục được đẩy lên sóng kênh này, khiến cả năm khán giả ngán ngẩm vì… được nghe hát liên tục mà format các chương trình lại rất na ná nhau. Trong khi đó, The Voice tạo được sức hút riêng với tính hấp dẫn ngay từ vòng loại, mức độ cạnh tranh tăng dần qua các vòng thi và ngay lập tức trở thành món ăn mới vừa ngon vừa lạ đối với khán giả truyền hình.




Tương tác cao giữa giám khảo và thí sinh


Trong The Voice, Christina Aguilera, Blake Shelton, Cee Lo Green và Adam Levine được xem là huấn luyện viên, người dẫn dắt cho các thí sinh trong nhóm của họ chứ không chỉ đơn thuần là một hội đồng giám khảo. Từ đầu đến cuối chương trình, họ theo sát các thí sinh và nắm bắt được điểm yếu điểm mạnh của các học trò cưng, không ngần ngại đưa ra những ý kiến đóng góp giá trị và chia sẻ kinh nghiệm ca hát, chính điều này đã góp phần làm cho thí sinh của The Voice thật sự mạnh hơn qua mỗi vòng và sự phát triển về giọng hát và kĩ năng trình diễn rất rõ nét.


Với Idol, bộ ba giám khảo quyền lực sẽ chỉ ngồi trên bàn chấm điểm, theo dõi thí sinh trình diễn và bình luận dựa nhiều vào cảm quan và sự dễ dãi. Những câu nói thường được trưng dụng nhất của ban giám khảo Idol sẽ là “Bạn hát được lắm”, “Bạn hát chưa ổn”, “Nghe cũng hay”, “Tôi thích bạn đấy” …




Chất lượng thí sinh được đảm bảo


Các thí sinh của The Voice, dù ít dù nhiều đã có được những kinh nghiệm ban đầu trong sự nghiệp âm nhạc của họ, trong khi đó, các thí sinh của Idol phần lớn là chưa hề qua trường lớp đào tạo và hát theo bản năng. Việc tập trung vào chất lượng thí sinh của The Voice thể hiện ngay trong vòng thử giọng giấu mặt, giám khảo của The Voice đánh giá thí sinh khi quay ghế về phía sân khấu và chỉ nghe được họ hát mà không hề biết bất cứ thông tin gì về thí sinh cũng như ngoại hình của họ như thế nào, tất cả hoàn toàn là về giọng hát.




Idol, ngược lại, vừa tung hô những thí sinh tài năng và có nhan sắc vừa chủ ý “vùi dập” không thương tiếc những màn biểu diễn thảm họa, những chiêu trò lố lăng của một số thí sinh nhằm tăng tính giải trí cho chương trình.




Nhiều thử thách và tính hấp dẫn


Phần thi tài được mong đợi nhất của The Voice chính là màn thách đấu, khi hai thí sinh từ hai đội khác nhau được đưa lên sân khấu, trình bày cùng một ca khúc để phô diễn hết tất cả kỹ năng thanh nhạc và cảm xúc của mình nhằm giành lấy chiếc vé duy nhất để bước vào vòng trong. Chính tại màn thách đấu này, tính cạnh tranh mạnh mẽ và sức ép của việc đi hay ở đã đem đến những tiết mục thật sự ấn tượng và sự phấn khích nơi khán giả, điều mà Idol vẫn chưa làm được.
Thí sinh được là chính mình


Tại AI, mỗi tuần các thí sinh dự thi bị bắt buộc phải trình diễn theo chủ đề nhất định của mỗi tuần, đó là đêm nhạc Pop, đêm R’nB, đêm Disco hay đêm của những ca khúc của Whitney Houston. Đây là điểm thú vị nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các thí sinh, bởi với khả năng trình diễn và thanh nhạc còn hạn chế, việc trở thành “tắc kè hoa” và thay đổi phong cách liên tục chỉ qua một tuần ngắn ngủi là một áp lực rất lớn. Một thực tế là đa số các ca sĩ hiện nay cũng chỉ có thể là nghệ sĩ trình diễn “một màu”, họ hát và tỏa sáng chính là nhờ thể loại biểu diễn đặc trưng, thế mạnh của họ chứ không vì việc họ có thể hát tốt bao nhiêu thể loại khác nhau, ví như bạn chẳng thể nào thấy Jennifer Lopez quằn quại hát nhạc rock hay Steven Tyler sâu lắng, trữ tình với một ca khúc nhạc jazz.


Trái ngược hẳn với AI, The Voice khuyến khích thi sinh của mình tận dụng triệt để khả năng trong dòng nhạc yêu thích và không hề có sự ràng buộc về phong cách. Chính điều này đã khiến The Voice trở thành sân khấu của những màn trình diễn đặc sắc và khó quên đối với những ai theo dõi chương trình, như đêm trình diễn đỉnh cao của hai thí sinh da màu Anthony Evans và Jesse Campbel với ca khúc “If I ain’t got you” trong The Voice mùa thứ hai mới đây.




Phần trình diễn của Anthony Evans và Jesse Campbel
trong The Voice mùa thứ hai


American Idol đã bước sang mùa giải thứ 11 và một điều dễ dàng nhận thấy là dù muốn hay không, sức nóng của nó cũng đang dần hạ nhiệt. Một format quen thuộc, dàn giám khảo cũ kỹ (dù mới chỉ thay thế được 2 mùa), AI cần phải có bước đột phá trong mùa giải tới mới mong hút được khán giả quay trở lại từ “lính mới” The Voice. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của rất nhiều reality show về tài năng âm nhạc hiện nay, chắc chắn khán giả Mỹ trong thời gian tới sẽ còn có cơ hội được thưởng thức nhiều món ngon hơn nữa trên sóng truyền hình.

No comments:

Post a Comment